Thuyết minh về cây dừa chọn lọc hay nhất

0
23

Cây dừa là một loại cây vô cùng thân thuộc với mỗi người Việt Nam, có lẽ từ trẻ nhỏ tới người lớn không ai không biết đến cây dừa. Bài viết dưới đây Lớp học Mật Ngữ xin cung cấp một số mẫu thuyết minh về cây dừa. Mời quý các em tham khảo.

1. Thuyết minh về cây dừa – mẫu 1

Ở nước ta, cây dừa xuất hiện trên khắp các vùng trải dài từ Bắc vào Nam, nhưng đặc biệt tập trung ở các vùng ven biển. Cây dừa đã trở nên thật quen thuộc, gần gũi với biết bao thế hệ con người Việt Nam từ đời sống cho đến văn chương:

“Dừa xanh đứng sừng sững giữa trời

Đem thân mình hiến cho đời thuỷ chung”

Cây dừa dần dần đã trở thành một nét đẹp, một phần không thể thiếu trong cuộc sống cũng như có đóng góp không nhỏ vào các mặt trong cuộc sống của con người.

Cây dừa được các nhà nghiên cứu cho rằng nó có nguồn gốc ở Đông Nam Á, một bộ phận khác lại cho rằng nguồn gốc của chúng ở miền tây bắc Nam Mỹ. Điều này đến nay vẫn chưa có kết luận rõ ràng nhưng cây dừa đã trở nên phổ biến ở trên khắp thế giới. Dừa là một loại cây có khả năng thích nghi vô cùng tốt, nó phát triển mạnh mẽ tại những vùng có đất pha cát, đồng thời nó có khả năng chịu mặn cũng như ưa thích các vùng đất nhiều nắng và mưa. Chính bởi đặc tính này mà cây dừa rất phổ biến ở các bờ biển nhiệt đới, thậm chí ở một số những vùng núi cao cây dừa vẫn phát triển. Ở Việt Nam, cây dừa được trồng phổ biến ở những tỉnh có nền nhiệt cao, mưa nhiều và đặc biệt nó đã trở thành loại cây đặc sản của tỉnh Bến Tre.

Cây dừa là một loại cây lớn, thân đơn trục, chiều cao của nó có thể lên tới 30 mét cùng đường kính thân cây khoảng 45 cm. Mỗi cây dừa đều có các bộ phận đó là: thân, lá, hoa, buồng và trái. Lá của cây dừa là những lá đơn xẻ thùy lông chim, có cuống và gân lá chính dài, gồm nhiều tàu lá; khi những chiếc lá ấy già sẽ héo dần và rụng đi để lại những vết sẹo trên thân cây. Hoa dừa là hoa tạp tính, có màu trắng, nhỏ và kết thành từng chùm. Những bông hoa trắng xinh ấy sẽ kết thành những trái dừa. Quả dừa là những quả khô, là những quả hạch có xơ. Vỏ của dừa rất cứng, nhẵn và ở giữa là một lớp xơ dày bao lại phần sọ dừa ở bên trong. Sọ dừa này có lớp vỏ hóa gỗ cứng, bao bọc lấy phần cùi dừa màu trắng cùng nước dừa thơm ngọt bên trong.

Có lẽ cây dừa là một loại cây thật đặc biệt bởi mọi bộ phận của cây đều có thể được con người tận dụng, không một phần nào bị bỏ phí lại. Từ những chiếc lá dừa to đẹp được thu về để lợp nhà, để đan lại thành những món đồ thủ công mỹ nghệ được mọi người yêu thích. Thân của cây dừa được sử dụng để làm cột, làm những con cầu nhỏ bắc qua mương hay tạo ra những món đồ lưu niệm xinh xắn. Ngay cả phần rễ của cây dừa cũng được con người tận dụng để làm chất đốt hoặc thuốc nhuộm. Rồi những bông dừa già cũng được người dân thu hoạch về để trang trí, củ hủ dừa (hay đọt dừa non) được sử dụng để chế biến thành các món ăn lạ miệng giàu giá trị dinh dưỡng…

Thế nhưng, trên cây dừa phần có giá trị nhất có thể nói chính là những trái dừa. Những trái dừa tươi ngon nhất thường được dùng để lấy nước – một thứ nước giải khát tự nhiên vô cùng có giá trị về dinh dưỡng, tốt cho hệ tiêu hoá cũng như giải nhiệt nhanh chóng trong những ngày hè oi bức. Với những trái dừa khô và già hơn, người ta thường sử dụng phần cùi của nó. Cùi dừa được dùng để chế biến các món kho hay đồ xôi, sử dụng làm các loại mứt không thể thiếu trên bàn tiếp khách của mỗi gia đình ngày Tết. Cùi dừa còn được sử dụng để làm sữa dừa, kẹo dừa, chiết lấy dầu hay làm xà phòng. Sau đó, phần bã cùi dừa người ta cũng chẳng vứt đi mà tận dụng để làm phân bón hay một loại thức ăn giàu chất béo cho gia súc. Ngay đến phần vỏ cứng của trái dừa cũng được giữ lại để sử dụng làm các mặt hàng thủ công tinh xảo rất được ưa chuộng.

Cây dừa không chỉ mang lại những giá trị lớn về mặt kinh tế mà còn là những nguồn cảm hứng bất tận trong thơ ca. Có lẽ chẳng ít lần chúng ta đã gặp những hình ảnh thân thuộc của cây dừa trong những bài thơ:

“Cây dừa xanh tỏa nhiều tàu

Dang tay đón gió, gật đầu gọi trăng

Thân dừa bạc phếch tháng năm

Quả dừa – đàn lợn con nằm trên cao”

Cuộc sống của chúng ta ngày càng phát triển và hiện đại hơn, thế nhưng cây dừa có lẽ sẽ luôn đóng một vị trí rất quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Nó luôn đem đến những giá trị chẳng thể thay đổi về cả vật chất và tinh thần đối với mọi người dân Việt Nam.

2. Thuyết minh về cây dừa – mẫu 2

Cây dừa là một trong những loại cây vô cùng thân thuộc với biết bao thế hệ người dân Việt Nam. Dừa không chỉ xuất hiện trong đời sống hằng ngày mà đã trở thành một biểu tượng quen thuộc trong từng vần thơ, từng lời văn hay câu hát ru in sâu vào tiềm thức mỗi người:

“Dừa ơi dừa! Người bao nhiêu tuổi

Mà lá tươi xanh mãi đến giờ.”

Cây dừa không chỉ phổ biến ở Việt Nam mà nó đã có mặt ở hầu hết mọi nơi trên thế giới. Đến hiện tại vẫn chưa một ai có thể khẳng định về nguồn gốc của cây dừa, nhưng có lẽ điều ấy chẳng còn quan trọng nữa bởi cây dừa đã trở nên thân thuộc với tất cả mọi người. Ở Việt Nam, cây dừa thường tập trung nhiều ở những nơi có nhiều nắng và mưa, nhưng có lẽ nổi tiếng nhất là ở Bến Tre và Bình Định.

Một cây dừa có các bộ phận đó là: lá, thân, hoa và quả. Những cây dừa có thân rất cao và chắc, một số cây có thể cao tới ba mươi mét. Theo năm tháng, những cây dừa già sẽ thường bị bạc màu đi. Lá của cây dừa có một gân chính dài và cứng chắc, từ gân đó sẽ trổ ra những lá đơn. Mỗi khi có những cơn gió tinh nghịch lùa qua những kẽ lá ấy, tiếng xào xạc được tạo nên nghe như những bản nhạc, bản nhạc của riêng loài cây này. Cũng giống bao loài cây khác, dừa cũng có hoa. Hoa dừa nhỏ, mọc thành chùm nằm trên cao và có màu trắng muốt. Qua thời gian, những bông hoa nhỏ xinh ấy kết thành những trái dừa cứng chắc có rất nhiều giá trị đối với con người. Quả dừa là một loại quả hạch có xơ với một lớp vỏ cứng, ở giữa là một lớp xơ dày bao lấy gáo dừa. Dựa vào công dụng sử dụng của dừa, người ta cũng phân chia thành các loại dừa như: dừa xiêm xanh, dừa xiêm lục, dừa xiêm lửa, dừa ta xanh, dừa dứa, dừa sáp…

Người ta trồng cây dừa nhiều bởi đây là một loại cây có rất nhiều công dụng, tất cả các bộ phận của cây đều có thể được tận dụng một cách triệt để khai thác những lợi ích về mặt kinh tế. Thân cây dừa được con người sử dụng làm những cây cột chống, lá dừa được dùng để lợp mái, đan lát, rễ dừa được sử dụng làm thuốc nhuộm hay thuốc sát trùng… Thế nhưng phần có giá trị nhất của cây dừa chính là quả của nó. Quả dừa cũng được các bác nông dân tận dụng từng chút một, chẳng bỏ đi phần nào. Những quả dừa tươi xanh được chặt ra để lấy nước uống hoặc lấy nước dừa đó để chế biến ra các món ăn thơm ngon khác. Với trái dừa khô già hơn thì phần cùi lại thường được sử dụng là chính. Cùi dừa trắng ngần được dùng để kho chung với thịt cá, làm mứt Tết, sử dụng để làm dầu dừa, xà phòng hay nước cốt dừa. Phần gáo dừa được những người thợ sử dụng làm nên những món đồ thủ công mỹ nghệ đẹp mắt, phần xơ dừa được dùng để bện dây thừng, làm thảm hay khảm thuyền…

Bên cạnh những giá trị to lớn về mặt kinh tế, cây dừa còn đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của mỗi con người. Dừa giờ đây đã trở thành một người bạn đồng hành, một người bạn mang tới những nguồn cảm hứng dạt dào cho các tác giả khi sáng tác: 

“Thân dừa găm vết đạn

Nước ngọt. Bọc cùi thơm

Cái ăn và cái mặc

Treo chung với trái vườn”

Cho dù cuộc sống có thay đổi thế nhưng dừa vẫn luôn tồn tại, tồn tại mạnh mẽ trong tiềm thức của mỗi người Việt. Những cây dừa cứng cáp, vươn thẳng, gần gũi với chúng ta nhưng đem đến cho chúng ta những giá trị thật to lớn. Câu dừa cũng như một biểu tượng về tinh thần bất khuất, ngay thẳng, không quản ngại khó khăn của người dân Việt Nam.

Hy vọng bài viết trên của Lớp học Mật Ngữ đã cung cấp cho quý các em những kiến thức hữu ích, trân trọng cảm ơn quý các em đã quan tâm theo dõi.