Nguyên tắc tiếng nói và chữ viết dùng trong tố tụng hình sự

0
20

Nguyên tắc tiếng nói và chữ viết dùng trong tố tụng hình sự là một trong những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự, được quy định tại Điều 29 Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Hãy cùng Lớp học Mật Ngữ tìm hiểu nguyên tắc này

1. Tiếng nói và chữ viết theo quy định của Hiến pháp

Điều 42 Hiến pháp 2013 quy định như sau:

Điều 42.

Công dân có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp.

Ở một quốc gia đa dân tộc như Việt Nam, quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp của công dân là nhu cầu và là yếu tố bảo đảm bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển giữa các dân tộc. Xác định rõ vấn đề này, Điều 42 Hiến pháp năm 2013 quy định công dân có quyền sử dụng ngôn ngữ mẹ để, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp.

2. Nguyên tắc tiếng nói và chữ viết trong tố tụng hình sự

Điều 29 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định:

Điều 29. Tiếng nói và chữ viết dùng trong tố tụng hình sự

Tiếng nói và chữ viết dùng trong tố tụng hình sự là tiếng Việt. Người tham gia tố tụng có quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình, trường hợp này phải có phiên dịch.

Đây là nguyên tắc hiến định được ghi nhận tại Hiếp pháp nước Việt Nam năm 2013 và được ghi nhận trong Bộ luật tố tụng hình sự với tư cách là một trong những nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự. Nguyên tắc này có ý nghĩa chính trị – xã hội và thực tiễn rất to lớn. Một mặt nó thể hiện sự bình đẳng giữa những dân tộc khác nhau, và mặt khác, bảo đảm cho việc xét xử được chính xác, công khai.

Tiếng nói và chữ viết dùng trong tố tụng hình sự là tiếng Việt. Quy định này bảo đảm cho hoạt động tố tụng hình sự được tiến hành chính xác và thống nhất trong cả nước. Tiếng Việt là quốc ngữ, là ngôn ngữ phổ thông được dùng trong giao dịch chính thức của các cơ quan nhà nước, của các tổ chức xã hội, được dùng trong các quyết định, biên bản, giấy tờ của các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, trong việc xét hỏi, thẩm vấn, đánh giá chứng cứ, giám định…, vì vậy trong quá trình giải quyết vụ án hình sự thì tiếng nói và chữ viết phải là tiếng Việt. Quy định này thể hiện Việt Nam là một quốc gia thống nhất, có một hệ thống pháp luật thống nhất và áp dụng pháp luật thống nhất.

Theo đó, người tiến hành và tham gia tố tụng có quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình. Quy định này tạo điều kiện cho người tiến hành và tham gia tố tụng hình sự khả năng tích cực tham gia vào việc xem xét, giải quyết vụ án và ở nghĩa đầy đủ nhất sử dụng được các quyền mà pháp luật giành cho họ thực hiện các nghĩa vụ của mình. Các công dân được dùng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình trước các cơ quan tiến hành tố tụng thì dễ dàng tiến hành những tình tiết, sự việc của vụ án, có khả năng sử dụng tất cả các phương tiện để tự bào chữa. Đó cũng là một trong những điều kiện để Toà án xác định chân lý khách quan về vụ án, của việc ra quyết định hợp pháp và có căn cứ, đồng thời có ý nghĩa giáo dục và phòng ngừa rất lớn đối với mọi người tham gia phiên toà xét xử.

Việc sử dụng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình trong tố tụng hình sự không chỉ áp dụng cho những người dân tộc sống trên đất nước Việt Nam mà còn áp dụng đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam khi họ tham gia tố tụng.

Trong trường hợp người tham gia tố tụng dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình cần phải có phiên dịch. Họ có quyền thông qua người phiên dịch tìm hiểu hổ sơ, tham gia vào các hoạt động tố tụng và phát biểu trong phiên toà bằng tiếng nói của dân tộc mình. Các cơ quan tiến hành tố tụng phải đảm bảo điều kiện để họ thực hiện quyền dùng tiếng nói và chữ viết mà họ thông thạo.

Các văn bản theo luật cần phải tống đạt cho những người tham gia tố tụng phải được dịch ra ngôn ngữ dân tộc mà người đó sử dụng.

3. Người phiên dịch

Người phiên dịch, người dịch thuật là người có khả năng phiên dịch, dịch thuật và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu trong trường hợp có người tham gia tố tụng không sử dụng được tiếng Việt hoặc có tài liệu tố tụng không thể hiện bằng tiếng Việt.

Người phiên dịch là một trong những người tham gia tố tụng, họ có vai trò tương đối quan trọng trong việc bảo đảm tính xác thực và tính hợp pháp của chứng cứ. Nếu người phiên dịch dù cố ý hay vô ý phiên dịch không đầy đủ, không đúng nội dung của các thông tin trong ngôn ngữ của người tham gia tố tụng ra tiếng (hoặc chữ) Việt thì sẽ làm giảm hoặc làm mất tính xác thực của thông tin.

Chính vì tầm quan trọng như vậy của người phiên dịch trong việc bảo đảm giá trị chứng minh của chứng cứ nên pháp luật tố tụng hình sự hiện hành quy định “người phiên dịch” là người tham gia tố tụng chứ không phải là người tiến hành tố tụng. Theo pháp luật tố tụng hình sự, người tiến hành tố tụng là người có trách nhiệm chứng minh, do vậy họ không thể đồng thời làm thêm nhiệm vụ của người phiên dịch vì như vậy sẽ không bảo đảm tính khách quan của chứng cứ. Nói cách khác, để bảo đảm tính xác thực, tính khách quan của chứng cứ thì trong những trường hợp phải có người phiên dịch, người phiên dịch phải là một người khác, không phải là người tiến hành tố tụng của vụ án đó.

4. Quyền và nghĩa vụ của người phiên dịch

Theo Điều 70 Bộ luật tố tụng hình sự 2015

* Người phiên dịch có quyền:

– Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ;

– Đề nghị cơ quan yêu cầu bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa;

– Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng liên quan đến việc phiên dịch, dịch thuật;

– Được cơ quan yêu cầu chi trả thù lao phiên dịch, dịch thuật và các chế độ khác theo quy định của pháp luật.

Chi phí cho người phiên dịch là số tiền cần thiết, hợp lý phải chi trả cho người phiên dịch do cơ quan tiến hành tố tụng tính căn cứ vào quy định của Pháp lệnh 02/2012/UBTVQH13 và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Cơ quan tiến hành tố tụng triệu tập người phiên dịch có trách nhiệm thanh toán chi phí cho người phiên dịch. Chi phí cho người phiên dịch được lấy từ kinh phí hoạt động hằng năm của cơ quan tiến hành tố tụng.

* Người phiên dịch có nghĩa vụ:

– Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

– Phiên dịch, dịch thuật trung thực. Nếu phiên dịch, dịch thuật gian dối thì người phiên dịch, người dịch thuật phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự;

– Giữ bí mật điều tra mà mình biết được khi phiên dịch, dịch thuật;

– Phải cam đoan trước cơ quan đã yêu cầu về việc thực hiện nghĩa vụ của mình.

* Người phiên dịch, người dịch thuật phải từ chối tham gia tố tụng hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp:

– Đồng thời là bị hại, đương sự; là người đại diện, người thân thích của bị hại, đương sự hoặc của bị can, bị cáo;

– Đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản trong vụ án đó;

– Đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó.

Việc thay đổi người phiên dịch, người dịch thuật do cơ quan yêu cầu phiên dịch, dịch thuật quyết định.

5. Mức chi phí cho người phiên dịch

Căn cứ theo pháp lệnh 02/2012/UBTVQH13 và Nghị định 81/2014/NĐ-CP:

Căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, chi phí cho người phiên dịch do cơ quan tiến hành tố tụng triệu tập bao gồm một hoặc một số chi phí sau đây:

– Chi phí tiền công cho người phiên dịch;

Tiền công cho người phiên dịch tham gia phiên tòa giải quyết vụ án hình sự, vụ án hành chính, vụ việc dân sự được xác định như sau:

+ Tiền công đối với người phiên dịch dịch nói và dịch tài liệu bằng tiếng nước ngoài thực hiện theo quy định của pháp luật về mức chi phí dịch thuật trong chế độ chi tiêu, tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam và chi tiêu tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam.

+ Tiền công đối với người phiên dịch dịch nói và dịch tài liệu bằng tiếng dân tộc thiểu số thực hiện theo quy định của pháp luật về mức chi phiên dịch tiếng dân tộc thiểu số, mức chi biên dịch tiếng dân tộc tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật đảm bảo cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

– Chi phí đi lại;

Chi phí đi lại, chi phí lưu trú được xác định theo thực tế phát sinh của từng trường hợp cụ thể trên cơ sở hợp đồng (nếu có), hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về nội dung chi và mức chi về chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

– Chi phí lưu trú;

– Các chi phí khác theo quy định của pháp luật;

6. Về điều kiện tiêu chuẩn và quyền lợi, chế độ của người phiên dịch trong tố tụng hình sự

Bộ luật Tố tụng hình sự không quy định tiêu chuẩn của người phiên dịch mà chỉ quy định chung là người phiên dịch là người được Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án yêu cầu làm phiên dịch trong trường hợp có người tham gia tố tụng không sử dụng được tiếng Việt. Quy định như vậy tạo sự mềm dẻo, linh hoạt cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, phù hợp với tính chất tham gia của người này trong tố tụng hình sự. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khách quan, chính xác trong xử lý vụ án, Bộ luật tố tụng hình sự cũng đã có quy định cụ thể về trách nhiệm, nghĩa vụ của người phiên dịch và các trường hợp người phiên dịch phải từ chối hoặc bị thay đổi khi tham gia tố tụng hình sự.

Thực tiễn gần đây cho thấy, nhu cầu phiên dịch trong giải quyết các vụ án hình sự ngày càng tăng, các cơ quan tiến hành tố tụng phải chi phí cho hoạt động phiên dịch ngày càng nhiều. Trong khi đó, đến nay pháp luật hiện hành đã quy định về quyền lợi, chế độ cho người phiên dịch tại pháp lệnh 02/2012/UBTVQH13 quy định về cho phí định giá, giám định, cho phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng.